Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Đề thi vào lớp 10 năm học 2008 - 2009 (TP.HCM)

Go down

Đề thi vào lớp 10 năm học 2008 - 2009 (TP.HCM) Empty Đề thi vào lớp 10 năm học 2008 - 2009 (TP.HCM)

Bài gửi  Admin Sun Nov 09, 2008 8:52 am

Đề thi Tuyển sinh vào lơp 10 THPT tại TP Hồ Chí Minh năm học 2008 - 2009.
Ngày thi: 18/06/2008
Thời gian: 120 phút

Câu 1: (1 điểm) Chép nguyên văn bốn câu thơ cuối bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.
Câu 2: (1 điểm)
Tìm nghĩa gốc, nghĩa chuyển và phương thức chuyển nghĩa của các từ in đậm trong các câu thơ sau:
a. Đề huề lưng túi gió trăng,
Sau chân theo một vài thằng con con.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
b. Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Câu 3: (3 điểm)
Viết một văn bản nghị luận (không quá một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về đức hi sinh.
Câu 4: (5 điểm)
Cảm nhận và suy nghĩ của em về đoạn thơ:
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.
(Huy Cận, Đoàn thuyền đánh cá)


Được sửa bởi Admin ngày Thu Nov 13, 2008 6:12 pm; sửa lần 1.
Admin
Admin
♥ «—Admin—» ♥
♥ «—Admin—» ♥

Tổng số bài gửi : 117
Join date : 08/11/2008
Age : 30

http://teen9xvn.rap.vn

Về Đầu Trang Go down

Đề thi vào lớp 10 năm học 2008 - 2009 (TP.HCM) Empty Gợi ý làm Đề thi Tuyển sinh vào lớp 10 THPT TH Hồ Chí Minh

Bài gửi  Admin Sun Nov 09, 2008 8:53 am

Ngày thi: 18/06/2008

Thời gian làm bài: 120 phút


Câu 1.

- Học sinh chép chính xác và đầy đủ bốn câu thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt:

"Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở :

- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?..."

- Yêu cầu:

+ Chép chính xác đoạn thơ, không thiếu câu, thiếu từ ngữ, không sai chính tả.

+ Trình bày sạch sẽ, rõ ràng.

Câu 2.

- Câu thơ thứ nhất:

"Đề huề lưng túi gió trăng,

Sau chân theo một vài thằng con con."

Từ “chân” trong hai câu thơ này được dùng theo nghĩa gốc chỉ một bộ phận dưới cùng của cơ thể người hay động vật, dùng để đi, đứng.

- Câu thơ thứ hai:

"Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh."

Từ “chân” trong câu này được dùng theo phương thức chuyển nghĩa ẩn dụ. “Chân” có nghĩa là phần dưới cùng của một số vật tiếp giáp, bám chặt vào mặt nền (như: chân tường, chân đồi, chân tủ...).


Câu 3.

* Yêu cầu về hình thức:

- Bài viết mạch lạc, súc tích, lập luận lôgic, luận điểm chính xác, tiêu biểu.

- Độ dài đảm bảo đúng yêu cầu của đề (không quá một trang giấy thi)

- Hành văn trôi chảy, không mắc các lỗi dùng từ, đặt câu và lỗi chính tả

* Yêu cầu về nội dung:

Học sinh có thể trình bày bài viết theo nhiều cách khác nhau, song cần đảm bảo một số ý chính sau:

- Giải thích nội dung, ý nghĩa của đức hy sinh trong cuộc sống: Đức hy sinh là một đức tính tốt đẹp của con người, là những suy nghĩ, hành động vì người khác, đặt lợi ích của người khác, của cộng đồng xã hội lên trên những lợi ích của bản thân mình. Người có đức hy sinh được mọi người yêu mến, trân trọng, được cộng đồng ngợi ca và tôn vinh.

- Những biểu hiện thực tế của đức hy sinh trong cuộc sống:

+ Trong cuộc sống, đức hy sinh được thể hiện vô cùng phong phú: trong lịch sử cũng như trong hiện tại, trong chiến tranh khốc liệt gian khổ cũng như trong thời bình, trong lao động, sản xuất, học tập... Nhiều lúc, đức hy sinh được thể hiện âm thầm bình dị mà thiêng liêng, cao quí (như sự hy sinh của cha mẹ dành cho con, của thầy cô giáo dành cho các thế hệ học trò...). Đặc biệt, Bác Hồ là tấm gương cao cả, đã hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân.

+ Tuy vậy, trong cuộc sống vẫn còn không ít người có lối sống ích kỉ, chỉ chăm lo cho lợi ích của riêng mình mà không quan tâm đến người khác, không đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng, xã hội đáng bị phê phán.

- Đức hy sinh từ lâu đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc mà chúng ta cần gìn giữ và không ngừng phát huy. Để giữ gìn và phát huy đức tính tốt đẹp đó, mỗi người cần có lòng nhân ái, biết yêu thương, quý trọng, biết lắng nghe, cảm thông và sẵn sàng chia sẻ với người khác.


Câu 4.

* Yêu cầu về hình thức:

- Bài viết có bố cục ba phần (Mở bài, thân bài, kết bài) rành mạch, rõ ràng.

- Các ý được trình bày rõ ràng, rành mạch, dẫn chứng phù hợp, xác đáng.

- Diễn đạt trôi chảy, không mắc các lỗi dùng từ, đặt câu và các lỗi chính tả.

* Yêu cầu về nội dung:

Học sinh có thể trình bày bài viết theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn thơ trích:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm : Giữa năm 1958, Huy Cận có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi thực tế này, hồn thơ Huy Cận mới thực sự nảy nở trở lại và dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới. Bài Đoàn thuyền đánh cá được sáng tác trong thời gian ấy và in trong tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng (1958). Cả bài thơ là một bức tranh đẹp, tráng lệ về hình ảnh biển cả và người ngư dân.

- Đoạn thơ trên gồm các khổ thơ 3, 4, và 5 của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá.


2. Thân bài:

- Hình ảnh con người lao động (những ngư dân): Hình ảnh con người lao động được tái hiện trong khung cảnh lao động hăng say, khẩn trương, đầy hào hứng (Ta hát bài ca gọi cá vào - Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao). Trong khung cảnh đó, con người hiện lên khỏe khoắn, hứng khởi với tư thế hiên ngang, tầm vóc lớn lao sánh cùng vũ trụ (Thuyền ta lái gió với buồm trăng - Lướt giữa mây cao với biển bằng). Không chỉ lao động say mê, khai thác nguồn lợi từ biển cả, những "người con của biển" cũng thể hiện tình yêu, lòng biết ơn, sự gắn bó của mình đối với biển khơi giàu có, vĩ đại, với nguồn sống phong phú bất tận của con người (Biển cho ta cá như lòng mẹ - Nuôi lớn đời ta tự buổi nào).

- Hình ảnh thiên nhiên trong đoạn thơ vừa lớn lao kì vĩ vừa lỗng lẫy, đẹp đẽ, lung linh huyền ảo. Không gian được mở rộng bao la, khoáng đạt mà rất đỗi nên thơ với biển, trăng, sao, gió, mây (Thuyền ta lái gió với buồm trăng - Lướt giữa mây cao với biển bằng). Không chỉ là một không gian bao la, rộng mở, thiên nhiên còn mang vẻ đẹp đẽ, giàu có, phong phú với những sản vật, những quà tặng của tự nhiên cho cuộc sống con người (Cá nhụ cá chim cùng cá đé - Cá song lấp lánh đuốc đen hồng). Bức tranh thiên nhiên còn mang vẻ đẹp lung linh, huyền ảo: "Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe - Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long".

- Đoạn thơ đã thể hiện những sáng tạo độc đáo về mặt nghệ thuật của nhà thơ: Sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn (đoạn thơ đậm đà màu sắc lãng mạn với thủ pháp khoa trương, phóng đại), sự sáng tạo các hình ảnh thơ vừa lớn lao kì vĩ, vừa lung linh huyền ảo gợi nhiều liên tưởng độc đáo, sự linh hoạt trong việc tạo nhịp thơ... đã tạo nên những vẻ đẹp độc đáo, hấp dẫn của đoạn thơ.


3. Kết bài:

Đoạn thơ là khúc ca ca ngợi thiên nhiên đất nước giàu đẹp, phong phú, ca ngợi những con người lao động mới - những người làm chủ cuộc sống, lao động hăng say góp phần dựng xây xã hội mới. Đồng thời, đoạn thơ, cũng như bài thơ Đoàn thuyền đánh cá cũng dánh dấu bước chuyển biến mới trong cảm hứng nghệ thuật, trong tư tưởng, tình cảm của nhà thơ Huy Cận.
Admin
Admin
♥ «—Admin—» ♥
♥ «—Admin—» ♥

Tổng số bài gửi : 117
Join date : 08/11/2008
Age : 30

http://teen9xvn.rap.vn

Về Đầu Trang Go down

Đề thi vào lớp 10 năm học 2008 - 2009 (TP.HCM) Empty Re: Đề thi vào lớp 10 năm học 2008 - 2009 (TP.HCM)

Bài gửi  girl Mon Nov 10, 2008 8:12 pm

tk admin nha, bài viết rất hay.

girl
Khách viếng thăm


Về Đầu Trang Go down

Đề thi vào lớp 10 năm học 2008 - 2009 (TP.HCM) Empty Re: Đề thi vào lớp 10 năm học 2008 - 2009 (TP.HCM)

Bài gửi  Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết